Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Một công trình kiến trúc đang bị lãng quên

(ĐSPL). Được biết, quần thể lăng mộ, công trình ở ấp Thái Hà của Hoàng Cao Khải được xây dựng từ năm 1893. Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật khắc đá của người Việt. ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một Phó vương". Tuy nhiên, hiện di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Các ngôi mộ bị đào bới, người dân vào sống lâu năm trong lăng mộ. Bản thân khu lăng mộ của cụ Hoàng Cao Khải hiện nay trở thành trụ sở của đội tuần tra cụm dân cư số 9 phường Trung Liệt.
TRINH PHÚC - VŨ PHƯƠNG

 

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

THẦY GIÁO CŨ (Tiêu đề Huong Thien đặt)

Vũ Phương Thảo 
là học sinh vừa đoạt giải A "Cây bút tuổi hồng 2013 - 2014" của báo Thiếu niên Tiền phong, em hiện là học sinh trường THPT Định Hóa, Thái Nguyên. Dưới đây là nội dung bài văn tả thầy giáo cũ, đạt điểm 10:
"Những ngày mùa hạ rả rích, khi ôm sách và lắng nghe vài giai điệu phát ra từ cái radio cũ mèm, tự dưng tôi nghe thấy mấy lời da diết vang lên:
“Người thầy... vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”. Tiếng Cẩm Ly tha thiết, chiều mùa hạ như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Đột nhiên, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ.
Và tự nhiên, tôi nghĩ, dường như mình đang được xem lại cuộc đời bốn năm trước, qua vài cảnh quay được trích ra từ cái máy quay có lẽ là đời từ những năm 1980.
Máy quay có lẽ đã cũ lắm rồi, cảnh được cảnh mất, nhưng cũng đủ để tôi thấy tôi - mười một tuổi - đứng trong sân trường cấp II lộng gió, và bóng một người thấp bé lặng lẽ đạp chiếc xe khung, đi trong nắng vàng. Bất chợt, người ấy quay lại. Ánh mắt hiền từ được máy quay ghi lại rõ ràng không sai. Tim tự dưng thấy hẫng một nhịp.
Kia rồi! Thầy tôi...
Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Có lẽ biết thế nên mọi cảnh quay về người ấy đều rõ nét và chân thực đến kì lạ. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt.
Nhiều người vẫn miêu tả: Các thầy cao to, vạm vỡ, có đôi mắt sáng quắc uy nghiêm. Nhưng không! Thầy tôi thấp lắm, nếu so với chuẩn 1,8 m, chỉ chừng 1,6 m, tóc bạc trắng và lúc nào cũng lọc cọc đi trên chiếc xe khung han rỉ. Mắt thầy sáng, nhưng sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm. Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ. Chúng tôi, thời những năm lớp 6, đã từng trêu thầy nhiều lần vì điều ấy. Tôi vẫn nhớ thầy chỉ cười hiền và bảo, thầy già rồi, có cần gì hiện đại.
Máy quay chuyển cảnh. Từng hình ảnh nhảy nhót. Cứ như bị lỗi, những hình ảnh ấy cứ nháy đi nháy lại, nhưng lại rõ đến từng chi tiết.
Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Thảng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó. Luôn nhớ mình đứng trên tầng 2, vẫy tay “Em chào thầy” mà láo xược chế thành “Em thầy!”, và thầy, trên chiếc xe đạp cũ đi ngược gió, vẫy tay cười lại.
Hiền như tiên.
Tự dưng, cảnh quay tiếp theo hiện ra. Tôi thấy...
Đêm tối. Trong một căn bếp lụp xụp, có mỗi một bóng đèn mù mịt. Bảng đen viết đầy những công thức loằng ngoằng. Có hai đứa học sinh ngồi quây quần cắt cái bánh trung thu nhân thập cẩm, và một người tóc bạc phơ ngồi cạnh, mỉm cười nhấm nháp ngụm trà nóng trong đêm thu mong manh.
Thầy ơi, thầy không ăn thập cẩm à, thế phải làm sao bây giờ. Tiếng đứa con gái cất lên lo lắng. Thằng con trai ngồi cạnh im lặng ăn miếng bánh nướng thơm lừng, còn người đó chỉ cười, bảo, ừ, hai đứa cứ ăn đi, còn lại để vào tủ lạnh, lúc nào cô về thì cô ăn.
Tôi nhận ra, đấy chính là mình, với Âu Sơn, và thầy.
Tôi thấy mình lúng túng, rồi cũng ngồi xuống, cầm con dao cắt bánh ra thành nhiều miếng nho nhỏ. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thầy cũng ăn, và hai đứa học sinh cười thành tiếng. Căn bếp lụp xụp như sáng thêm. Sáng thêm. Mãi đến sau này tôi mới biết thầy không ăn được thịt mỡ, cứ đến cổ họng lại bị nôn ra, thế mà hôm ấy thầy vẫn ăn miếng bánh Trung thu, có lẽ chỉ để chúng tôi vui lòng.
Đột nhiên muốn khóc. Thầy của tôi, vĩ đại như thế đấy.
Có lẽ nhiều người không hiểu nổi từ vĩ đại. Tại sao lại vĩ đại? Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi nghe việc thầy không ăn được thịt mỡ, rồi liên tưởng đến miếng bánh trung thu ngày hôm ấy. Chỉ để chúng tôi vui, thầy đã ăn hết miếng bánh mà có thể làm thầy khó chịu suốt những ngày sau đó. Ai đó từng nói, tấm lòng người thầy vĩ đại lắm, và cũng trong sáng lắm, y như pha lê không bao giờ bị vấy bẩn. Đúng, đúng lắm.
Những tháng ngày đó, bất kể nắng hay mưa, bất kể nóng nực hay lạnh giá, thầy, vẫn cặm cụi đi trên chiếc xe đạp cũ xỉn, dạy chúng tôi học. Tôi nhớ những ngày tháng 1, năm tôi lớp 7. Lúc ấy gió trời còn mạnh, và nắng thì hong hanh lắm. Tôi, với ba thằng con trai khác, ngồi trong lớp nghe thầy giảng Toán. Sơn đùa, bảo thầy sao không làm hiệu trưởng mà lại chấp nhận làm giáo viên quèn. Ôi, làm hiệu trưởng thì không quát được giáo viên đâu, còn làm giáo viên, học sinh không nghe thì tống nó ra khỏi lớp. Thầy bảo, như thế. Chúng tôi cứ cười mãi về câu nói ấy. Đến tận hai năm sau, tôi mới biết, thầy chấp nhận làm giáo viên là để dìu dắt thêm nhiều lớp học trò trước khi bước vào tuổi già.
Sau này mới biết, tình cảm thầy dành cho học sinh chúng tôi còn nhiều hơn gấp tỉ tỉ lần những thứ công danh lợi lộc tầm thường.
Năm lớp bảy, có thầy, có những kì vọng và quyết tâm từ biết bao ngày trước, tôi đạt giải Nhất toán. Biết tin, thầy chỉ cười thật tươi. Nhưng trong mắt tôi, đó là nụ cười ấm áp nhất tôi từng biết. Nụ cười ấy khiến bao mệt mỏi, khó nhọc trở về số 0. Nụ cười khiến cho tất cả học sinh an lòng. Năm ấy, có lẽ là năm tôi hạnh phúc nhất.
Không biết đã đi qua bao nhiêu ngày nắng, mưa? Chỉ biết, thầy đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt hai năm rưỡi. Hai năm rưỡi lọc cọc đạp chiếc xe cũ ấy, hai năm rưỡi dạy dỗ lũ học sinh lớp A nghịch như quỷ. Thầy chẳng hề than vãn lấy một lời.
Các em là lứa học sinh cuối cùng của thầy, chỉ mong dạy được thật tốt, không muốn ai bị chửi mắng cả. Thầy trả lời cho câu hỏi của tôi về việc, tại sao chúng em mất trật tự mà thầy không nhắc.
Lúc ấy, tôi không hiểu. Sau này ngẫm nghĩ lại mới ngộ ra. Hóa ra, chúng tôi chính là những kẻ vô ơn bậc nhất, không hiểu nổi tâm ý của thầy giấu trong từng con chữ.
Mười ba tuổi, chỉ biết nghịch ngợm, vô ưu vô lo. Đâu biết người thầy vẫn cặm cụi chiến đấu với tuổi già và sức khỏe, ngày ngày lên lớp dạy dỗ cho những học sinh cuối cùng trong cuộc đời dạy học của mình.
Hết học kì I năm tôi lớp 8, thầy có quyết định nghỉ hưu.
Quyết định không hề vội vã, nhưng lại gây bất ngờ trong tập thể lớp. Tất cả xôn xao, và dường như có gì đó nghẹn ở trong tim, rất lạ. Dù biết, nhưng cuối cùng vẫn đến lúc phải chia tay rồi.
Ngày chia tay, tôi tặng thầy một bó hoa kẹo mút. Chính tay dính từng bông hoa, chính tay ghim từng bó mút. Có lẽ đó là bó hoa xấu nhất tôi từng làm, nhưng cũng là bó hoa mang nhiều tình cảm nhất. Cũng là bó hoa đầu tiên tôi tặng cho sự chia ly.
Thầy nghỉ rồi...
Giáo viên mới dạy thay. Bài giảng sôi động, súc tích vô cùng. Nhưng thỉnh thoảng đột nhiên ngẩn ngơ. Vẫn ngỡ thầy còn ở đây, ngay trên bục giảng, viết những con số vốn bị chê “xấu mèm” nhưng thật rất rõ ràng. Ngỡ rằng thầy vẫn sẽ đi cùng chúng tôi qua những năm tháng còn lại. Không, không còn nữa rồi!
Đó là những tháng ngày khó khăn nhất. Không có thầy ở bên cạnh dạy dỗ, không có ai cười hiền từ động viên trong những ngày khó khăn. Năm đó, tôi tụt hạng, chỉ đạt giải Ba. Đề rất dễ. Thế mà, điểm cũng chỉ đạt “nhì non”. Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều như thế.
Lên lớp 9, ông nội dẫn tôi xuống nhà thầy. Từ đó, tôi chính thức học thêm với thầy. Chính thức bắt đầu một năm học tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui. Ngôi nhà mà chúng tôi học, cũng chính là ngôi nhà thầy đã sống suốt mấy chục năm qua. Cả một đời người vất vả chỉ có một khoảnh sân nho nhỏ để phơi nắng, một căn bếp tối, lụp xụp, cái nhà xây lợp lá cọ mát rượi trong những ngày nóng bức, và cả một cây trứng cá lúc nào cũng bị lũ học sinh nhăm nhe chọc quả. Thầy bảo, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.
Đôi khi tôi nghĩ thầy sống sao mà giản đơn quá. Thầy chỉ cười. Không, thế đã là quá đủ rồi. Tôi không biết đủ là gì, không biết tại sao thầy có thể hài lòng. Sau đó nhiều tháng, tôi mới được nghe thầy kể về biết bao ngày khó khăn thầy đã trải qua. Đấy là những năm tháng vất vả đến bần hàn. Thầy là sinh viên nghèo, không có đủ đồ ăn nên ốm nhom ốm nhách. Trải qua một thời khó nhọc, con người luôn có khuynh hướng hài lòng với hiện tại, dù cho hiện tại ấy chỉ hơn thời khó khăn ngày xưa một chút xíu. Chính thế, thầy sống giản dị, tiết kiệm vô cùng. Từ lúc học thêm chỗ thầy, nghe thầy nói về những điều thầy đã trải qua, bất giác tôi cũng sống tiết kiệm đi nhiều lần. Không còn phung phí tiền bạc và đồ dùng như trước đây nữa.
Người ta bị ảnh hưởng bởi những người mà được coi là quan trọng. Tôi nghĩ, tôi cũng vậy.
Đôi khi tôi nghĩ, có phải thầy đã ảnh hưởng đến tôi theo một cách đặc biệt nào đó? Nghĩ nhiều lần, rồi mới phát hiện ra, thầy chính là một hình tượng mà tôi luôn khát khao muốn vươn tới, một tượng đài vĩ đại, một người mà tôi luôn mong mỏi đạt được thành công như vậy. Không chỉ là một người thầy, thầy còn là người cha, người anh, người bạn luôn lắng nghe, luôn cho những lời khuyên bổ ích nhất khi tôi cần. Thầy không chỉ dạy tôi môn Toán, thầy còn dạy tôi cách làm người, cách sống và phấn đấu để càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Máy quay dường như đang chậm lại, từng cảnh từng nét hiện lên rõ ràng. Tôi thấy thầy đang lụi hụi trồng rau, chăm sóc con chó lông trắng đen già khụ, thấy cả chúng tôi ngày đó, trong những ngày vất vả nhưng yên bình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất tôi từng có. Sau này, khi bước đi trên đường đời chông gai, có thể sẽ chẳng còn ai chỉ bảo, dạy dỗ tôi tận tình như thầy đã từng, có thể sẽ chẳng có ai lo tôi liệu có ngủ đủ giấc, liệu có stress khi nhồi nhét quá nhiều. Nhưng, cố nhân từng nói, cuộc đời chỉ cần một người khiến ta ngưỡng mộ, để cả đời noi gương, cả đời thương mến. Vậy là quá đủ rồi.
Khi viết những dòng này, tôi đã là học sinh cấp III. Không chỉ hôm nay, mà còn cả ngày mai, ngày kia, nhiều ngày sau nữa, nhất định tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Để mỗi khi gặp ai, trò chuyện cùng ai, có thể tự hào nói, tôi, là học sinh của thầy Nguyễn Văn Tâm. Có những lúc nhớ thầy, phóng vụt xe đi, tìm về ngôi nhà nhỏ cuối phố cũ với cây trứng cá xum xuê, ngồi nghe thầy nói về những điều thầy tâm đắc, về những điều thầy mong mỏi và răn dạy tôi cho đến mãi sau này. Tìm về nơi duy nhất khiến tâm hồn thanh thản, khiến cho mọi thứ phức tạp của cuộc đời trở nên dễ dàng và trong sáng hơn.
Vẫn là những ngày mùa hạ đã cũ, tôi cảm giác như mình đang xốc ba lô lên vai, đạp cái xe đạp của mình, lao đi trong nắng vàng.
Đến nơi tràn đầy kiến thức mà tôi hằng yêu kính".
Bình luận
PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội): “Bài văn rất xúc động và đã vượt ra khỏi biên giới học đường để đến với tất cả. Có người trò nhân ái và tử tế như thế này, buộc những người thầy cũng phải sống tốt hơn lên. Năm học tới, nếu học sinh này thi vào Khoa Viết văn – Báo chí, chúng tôi sẵn sàng “giang hai tay” nồng nhiệt đón em!”
Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến: Đây là bài văn hay, chân thực và xúc động. Sở dĩ, bài văn được cho là khác biệt với văn học nhà trường vì người viết đã dũng cảm phá bỏ lỗi kết cấu cũ thay vào đó là cách xây dựng như một cuốn phim quay chậm mở ra những kỷ niệm về tình thầy trò dưới mái trường nghèo khó.
(Theo Giadinh.net)

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

CẢM TÁC CHIỀU CUỐI THU



Se sẽ sương về tỏa trắng sông,
Xa xa lấp ló áng mây hồng.
Thu đi man mác buồn vương vấn, 
Đông tới ủ ê nối tiếp vòng.
Ngao ngán phồn hoa nơi phố thị 
Bâng khuâng phiêu lãng chốn hư không
Hỏi chàng thi sĩ còn say - tỉnh
Có thấy nàng thơ đắm đuối trông.


Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

ĐÓN TRĂNG


Trăng nhòm khe lá thật nên thơ,
Phó nháy không nhanh chẳng kịp giờ!
Mây ghẹo Hằng nga lơi lả sóng,
Gió lay Hoa trắng ngả nghiêng cờ.
Bõ công rình rập tròn năm đợi,
Phỉ sức đong đưa mấy tháng chờ.
Đón tiết Trung thu riêng một cõi,
"Thợ vườn" ngây ngất tưởng đang mơ.

(Họa bài dưới đây của Nguyễn Huy Trì)
 
 

NHỚ TRUNG THU 

Tóc đã phủ mây nhớ tuổi thơ
Trung thu vui vẻ quá bây giờ
Chiều trau mặt nộm bìa, khua mõ
Tối chuốt thân cây chuối, phất cờ
Trống dục đồng thanh vang khẩu hiệu
Quân hô nhất loạt đứng nghiêm chờ
Không màng quần áo dài hay ngắn
Vẫn mải rước đèn đẹp ước mơ.

(Nguyễn Huy Trì)
 

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

TẤM LÒNG VIỆT NAM CỦA NGƯỜI SOẠN THẢO UNCLOS

HIẾU TRUNG
http://tuoitre.vn/tuoi-tre-cuoi-tuan/620843/tam-long-viet-nam-cua-nguoi-soan-thao-unclos.html
  • Ở tuổi 90 với những bước chân đã run rẩy, thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) Alexander Yankov vẫn lặn lội từ Bulgaria đến Việt Nam để dự hội thảo về tranh chấp trên biển Đông tại TP.HCM.

Gs.Ts Alexander Yankov (thứ hai từ trái qua) trao đổi với 
các đại biểu sau hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan 
đến việc sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 
trong vùng biển Việt Nam” - Ảnh: T.T.D.

Bởi như ông nói, “Việt Nam cũng là tổ quốc của tôi”.
Tại cuộc hội thảo do Hội Luật gia VN và Đại học Luật tổ chức ngày 26-7 ở TP.HCM, giáo sư - tiến sĩ Alexander Yankov là một trong những chuyên gia quốc tế đáng chú ý nhất. Là người cao niên nhất có mặt tại hội trường Thống Nhất, ông phải chống gậy và có người đỡ mới có thể đi lại được. Nhưng “cụ” (như người phiên dịch tiếng Bulgaria Phạm Văn Toàn của ông vẫn gọi) vẫn phát biểu rất mạnh mẽ bằng tiếng Anh tại hội thảo và trả lời cặn kẽ, tỉ mỉ từng câu hỏi của các phóng viên trong và ngoài nước.
Khác với các học giả quốc tế có mặt tại hội thảo, giáo sư Yankov có một vị trí rất đặc biệt. Đó là chức vụ thẩm phán của ITLOS từ tháng 10-1996 đến năm 2011. Ông cũng từng là thành viên Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan), nơi Philippines đâm đơn kiện “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, giáo sư Yankov có lẽ còn là một trong những chuyên gia luật biển có uy tín nhất, được tôn trọng nhất thế giới. Bởi ông là người duy nhất trong nhóm chuyên gia soạn thảo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) còn sống.
“Người cứng đầu” ở UNCLOS
Giáo sư Yankov sinh ra tại thành phố Burgas bên bờ biển Đen, thành phố lớn thứ tư ở Bulgaria. Năm 1995 ông đã được tôn vinh với danh hiệu công dân danh dự của thành phố Burgas. Cha ông lấy cái tên Alexander của ông nội - một thủy thủ từng viễn du qua nhiều đại dương thế giới - để đặt cho ông. Chính vì thế, giáo sư Yankov yêu biển từ khi còn rất nhỏ. Đó là lý do ông luôn đặc biệt quan tâm đến luật biển khi bắt đầu theo học ngành luật rồi lấy bằng tiến sĩ luật quốc tế ở ĐH Sofia.
Là một học giả, nhưng giáo sư Yankov từng có thời kỳ theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ông từng là đại sứ Bulgaria tại Vương quốc Anh từ năm 1972-1976. Sau đó ông đảm nhận chức thứ trưởng ngoại giao Bulgaria và đại diện thường trực Bulgaria tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1976-1980. Ông cũng từng là nghị sĩ Quốc hội Bulgaria. Tuy nhiên niềm đam mê lớn nhất của ông vẫn là luật biển. Đó cũng là lĩnh vực mà ông có đóng góp to lớn nhất cho thế giới: soạn thảo UNCLOS.
Năm 1956, Liên Hiệp Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về luật biển (UNCLOS) đầu tiên ở Geneva (Thụy Sĩ) và đạt được bốn hiệp định. Bốn năm sau UNCLOS II diễn ra trong sáu tuần ở Geneva nhưng không có bất cứ tiến triển nào mới được ghi nhận. Năm 1973, UNCLOS III khai mạc ở New York (Mỹ). Với hơn 160 quốc gia, hội nghị kéo dài ròng rã tới tận năm 1982. Tại UNCLOS III, có ba ủy ban được thành lập để giải quyết hàng loạt vấn đề như vùng biển chủ quyền, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), bảo tồn môi trường biển...
Giáo sư Yankov là chủ tịch của ủy ban thứ ba. “Trong suốt thời gian đó đã có rất nhiều chuyên gia quốc tế tham gia sứ mệnh soạn thảo UNCLOS. Thời gian kéo dài, có nhiều trắc trở nên không ít người đã bỏ ngang. Nhưng tôi là một kẻ cứng đầu. Tôi là mẫu người đã làm gì thì phải làm cho tới cùng” - ông kể lại.
Nhờ nỗ lực của giáo sư Yankov và những người khác, cuối cùng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã ra đời với những khái niệm hết sức quan trọng như nội thủy, lãnh hải, EEZ, thềm lục địa...
Cái tình với Việt Nam
Giáo sư Yankov lần đầu đến Việt Nam vào năm 1976, một năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. “Khi đó Việt Nam là nguồn cảm hứng của tôi và rất nhiều người khác tại Bulgaria. Người Pháp muốn lập ra thế giới riêng của họ tại đây nhưng bất thành. Sau đó người Mỹ đến nhưng cũng thất bại. Đất nước của các bạn đã tự mình vượt qua tất cả những khó khăn thử thách lớn lao đó. Tôi rất tự hào khi được đến Việt Nam. Tôi cảm thấy Việt Nam cũng là tổ quốc của tôi” - ông kể.
Giáo sư Yankov vẫn nhớ như in cái ngày 38 năm trước khi ông đặt chân tới TP.HCM và nghỉ ở khách sạn Majestic bên bờ sông Sài Gòn. “Thành phố sau chiến tranh còn nghèo nàn, mất điện tối om, xác tàu la liệt trên sông Sài Gòn. Đường phố vắng ngắt, đâu đó chỉ có vài người bán hàng trên đường. Nhưng giờ đây TP.HCM đã lột xác hoàn toàn, trở thành một thành phố hiện đại, sôi động và thịnh vượng. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được chứng kiến sự thay đổi đó” - giáo sư bồi hồi.
Sự gắn bó của giáo sư Yankov với Việt Nam không chỉ là những lần đến TP.HCM. Ông từng giảng dạy một số nghiên cứu sinh Việt Nam đến học tập tại Bulgaria. Giáo sư Yankov không quên một học trò Việt Nam thông minh, hiểu biết, từng viết luận án tốt nghiệp về thềm lục địa dày hàng trăm trang bằng tay với nét chữ “đẹp hơn cả sách in”. Người học trò đó là tiến sĩ Phạm Ngọc Chi, tác giả cuốn Thềm lục địa - Những vấn đề pháp lý quốc tế do NXB Pháp Lý - Viện Quan hệ quốc tế Hà Nội phát hành năm 1990.
Tiến sĩ Chi cho biết thời thập niên 1980, ông được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch giao nhiệm vụ nghiên cứu về thềm lục địa, một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Khi đến Bulgaria làm nghiên cứu sinh, ông đã biết về danh tiếng của giáo sư Yankov và đến gặp xin giáo sư hướng dẫn nghiên cứu. Vấn đề là khi đó ở ĐH Sofia có quy định một giáo sư chỉ hướng dẫn năm nghiên cứu sinh, mà giáo sư Yankov đã có đủ năm học trò.
“Nhưng khi tôi đến gặp cụ, cụ lập tức đồng ý và nói: Tôi có tình cảm sâu sắc với đất nước Việt Nam. Tôi có nghĩa vụ phải giúp đỡ đồng chí” - tiến sĩ Chi kể.
Càng tiếp xúc và học tập từ giáo sư Yankov, tiến sĩ Chi càng cảm phục người thầy uyên bác, giàu kiến thức, giỏi cả tiếng Anh, Nga và Pháp. Không chỉ là học trò, tiến sĩ Chi còn trở thành một thành viên gia đình giáo sư Yankov.
“Giáo sư đã hỗ trợ tôi rất tận tình. Cụ thường mời tôi đến nhà và cả gia đình giáo sư đều rất yêu quý tôi. Khi tôi bảo vệ luận án thành công, cả gia đình giáo sư đã đến chúc mừng” - tiến sĩ Chi kể. Khi tiến sĩ Chi viết cuốn Thềm lục địa - Những vấn đề pháp lý quốc tế, chính giáo sư Yankov đã viết phần tựa đề.
Việt Nam đúng, Trung Quốc sai
Có mặt ở TP.HCM, giáo sư Yankov luôn mang theo bên mình cuốn sách Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà ông đã góp công soạn thảo.
“Đây là tài liệu quan trọng nhất đối với Việt Nam vào lúc này. Việt Nam cần nghiên cứu nó thật kỹ và tuân thủ một cách tuyệt đối. Đó là cách quan trọng nhất để đấu tranh trước Trung Quốc” - giáo sư Yankov nhấn mạnh. Và trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, giáo sư Yankov cho biết ông ủng hộ Việt Nam một cách tuyệt đối bởi lẽ phải và chính nghĩa hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
“Tôi cũng có tình cảm sâu nặng đối với đất nước Trung Quốc. Nhưng trong tranh chấp trên biển Đông, là một thẩm phán ITLOS và người soạn thảo UNCLOS, tôi khẳng định Việt Nam đúng và Trung Quốc đã sai. Là một nước lớn nhưng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam cần phải đấu tranh mạnh mẽ để phản đối hành động của Trung Quốc” - giáo sư Yankov khẳng định mạnh mẽ.
Tại hội thảo biển Đông ngày 26-7, mỗi khi nghe thấy có học giả nước ngoài nào biện minh cho hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, ông đều phản ứng bằng những phát biểu trực tiếp trước báo giới.
Với vai trò “ngôi sao Bắc Đẩu của ngành luật pháp quốc tế”, như từ mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế dùng khi nói về giáo sư Alexander Yankov, các nhận định của giáo sư Yankov có ý nghĩa quan trọng ở chỗ ông là người đặt nền móng cho hệ thống luật biển quốc tế và là người quan sát việc thực thi luật biển quốc tế trong những năm qua.
Giáo sư Yankov khuyên Việt Nam cần chuẩn bị thật kỹ càng mọi vấn đề pháp lý theo hướng dẫn của UNCLOS khi quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, bởi việc kiện tụng sẽ rất tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. “Vấn đề là Việt Nam cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia trong ngành luật biển để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý này. Việt Nam cũng cần học hỏi kỹ càng kinh nghiệm của Philippines” - ông nói.
Giáo sư Yankov cũng muốn gửi gắm một lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam: “Các bạn trẻ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, luôn phấn đấu học tập để phục vụ Tổ quốc, đừng bao giờ sa ngã trước cám dỗ của kẻ thù”. Ở tuổi 90, người giáo sư già đáng kính vẫn chưa hề vơi đi lửa nhiệt tình đối với “tổ quốc thứ hai” của ông.